Người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo cài đặt sinh trắc học- Ảnh 1.

Người dân cảnh giác với thủ đoạn đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân

Từ ngày 01/7/2024, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay), bao gồm: Kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng; giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng giao dịch; giao dịch có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng; giao dịch thanh toán trên 100 triệu đồng; các giao dịch chuyển tiền nước ngoài, yêu cầu mua bán ngoại tệ (không phân biệt giá trị giao dịch).

Để xác thực khuôn mặt khi giao dịch, trước đó người dân cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Đa số mọi người cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh gặp tình trạng khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng (app) ngân hàng, phần lớn ở khâu quét NFC (chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên CCCD.

Lợi dụng tình trạng nhiều người dân gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cài đặt sinh trắc học với mục đích đánh cắp thông tin người dùng nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, đối tượng liên hệ người dân bằng các hình thức như, gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt để được hỗ trợ. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Ngoài ra, đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, đồng thời sử dụng thông tin của nạn nhân vào các mục đích vi phạm pháp luật.

READ  2 nâng cấp đáng giá của Google Maps: Người dùng iPhone liệu có 'quay xe'?

Từ tình hình trên, để chủ động phòng ngừa với phương thức, thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng… cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không chủ động liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.

Không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin. Khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình cài đặt sinh trắc học, người dân có thể gọi điện đến tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc trực tiếp đến các quầy giao dịch của các ngân hàng để được hỗ trợ giải quyết.

Theo cơ quan công an, khi người dân phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người dân hãy trình báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.